Long Cung trong văn học Long Cung

Trung Hoa

Các tác phẩm lớn như Tây du ký (Mỹ Hầu Vương - Tôn Ngộ Không lấy Như Ý Kim Cô Bổng ở Đông Hải Long Cung, Kính Hà Long Vương bị chém đầu...), Phong thần diễn nghĩa (Na Tra rút gân con trai Long Vương)... có đề cập đến Long cung.

Việt Nam

Truyện cổ tích Việt Nam có Thủy Cung tương tự như Long Cung, có chuyện Dã Tràng được một viên ngọc quý, mang nó vào có thể tùy ý đi lại dưới nước giống như trên cạn, người vợ của anh do chán cảnh nghèo khổ đã bị Long Vương dùng lời ngon ngọt cám dỗ nên đã theo ông xuống thủy cung. Tại đây, chị lóa mắt với hàng hà sa số ngọc ngà châu báu, vật quý của biển, no căng bụng với đủ món ngon vật lạ chưa từng được nếm trải và cuối cùng ở lại Thủy Cung bỏ mặc Dã Tràng nơi trần gian để sau này anh xót của biến thành một loài cua lấp biển tìm lại vợ và ngọc quý. Tuy rằng truyện không miêu tả kỹ lưỡng về cấu trúc của Thủy Cung ra sao nhưng nó đã tồn tại trong trí tưởng tượng của người dân Việt Nam cổ xưa.

Nhật Bản

Người Nhật thì có truyện cổ tích về chàng Urashima Tarô, một lần tình cờ chàng cứu được một con rùa biển mà không ngờ nó chính là một vị Công Chúa của Long Cung. Do cảm kích, Công chúa đã mời Tarô đến chỗ nàng chơi vài ngày. Giống như cô vợ của Dã Tràng, chàng Tarô nghèo khổ đương nhiên cũng choáng ngợp trước sự giàu có của cung điện thần tiên ấy:

"Con thuyền lướt sóng phút chốc đã tới một hòn đảo kỳ thú, đất trải đầy ngọc trai, cây cối trang hoàng toàn ngọc bích long lanh. Nàng đưa chàng vào cung điện trình diện phụ vương. Một trăm tên hầu trai, một trăm nàng hầu gái tấp nập sửa soạn lễ cưới cho tân lang và tân giai nhân. Long Vương ngồi trên ngai nạm kim cương chứng kiến hôn lễ. Nửa đêm, yến tiệc linh đình vừa dứt, chàng và nàng động phòng hoa chúc. Niềm hạnh phúc lứa đôi nếu cứ thế sẽ kéo dài bất tận. Nhưng đôi khi lòng quê xúc động, Urashima đoán ở nhà cha mẹ đương thương nhớ mình, tưởng lầm mình đã làm mồi cho cá dưới đáy biển…" (Trích từ truyện chàng Tarô)

Thế rồi Tarô xin về thăm nhà, Công Chúa biết không thể giữ chàng lại được bèn tặng cho một hộp gấm và dặn không được mở ra nếu như Tarô còn có ý định quay lại đây. Tarô trở về quê nhà và thấy cảnh vật đã khác xưa, người vật đều đã đổi khác, thậm chí ngôi nhà xưa kia chàng ở đã biến thành một khu rừng. Thì ra vài ngày vui chơi ở Long Cung đã là vài thế kỷ trôi qua ở chốn trần gian, Tarô quên béng lời dặn mở hộp quà của Công Chúa và phút chốt trở nên già nua héo hon, qua đời ngay sau đó.